HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “TÁC ĐỘNG CỦA CÁC NHÂN TỐ ĐỂ TP CẦN THƠ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM LIÊN KẾT VÙNG”
Ngày đăng: 25/04/2023 02:32
Sáng ngày 22/4/2023 tại hội trường A Trường Đại học Tây Đô đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Tác động của các nhân tố để TP. Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết vùng”. Đây là diễn đàn chia sẻ tri thức, các ý tưởng, kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị có tính hiện thực, khả thi nhằm gia tăng sự liên kết. kết nối của người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm góp phần tạo sự liên kết nội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chặt chẽ hơn và thúc đẩy thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm của sự liên kết.
Quang cảnh buổi hội thảo
Đến tham dự Hội thảo, Trường Đại học Tây Đô vinh dự được đón tiếp TS. Nguyễn Văn Hồng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPCT; GS. TS. Yvon GOUSTY - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Công nghệ Á-Âu, Cộng hòa Pháp; GS.TS. Premkumar Rajagopal - Hiệu trưởng Trường đại học khoa học và công nghệ Malaysia; TS. Alex Wei - CEO Học viện công nghiệp, Đại học Yuan Ze, Đài Loan; TS. Richar Bui - Giám đốc phòng Hợp tác quốc tế Đại học Yuan Ze, Đài Loan; PGS. TS. Hasanuzzaman Tushar - Khoa Quản trị kinh doanh Đại học quốc tế Kinh doanh Nông nghiệp và Công nghệ, Bangladesh; các vị lãnh đạo đến từ các sở ban ngành của thành phố Cần Thơ, tỉnh thành phố ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Về phía Trường Đại học Tây Đô có sự hiện diện của NGƯT. PGS. TS. Võ Khắc Thường – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường – Phó Hiệu trưởng; NGND. PGS. TS. Phan Văn Thơm – Thành viên Hội đồng Trường – Trưởng khoa đào tạo sau Đại học; TTƯT. GS. TS. Trần Công Luận – Hiệu trưởng cùng các Thầy, Cô là lãnh đạo các phòng, khoa, bộ môn, trung tâm và các bạn sinh viên Trường Đại học Tây Đô.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ xác định quan điểm phải phát huy tối đa cả nội lực và ngoại lực để phát triển thành phố trở thành thành phố thông minh, hiện đại và là trung tâm của vùng ĐBSCL. Nhấn mạnh tính thiết thực và ý nghĩa của hội thảo khoa học quốc tế này đối với TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng đề nghị ngoài những chủ đề đã trình bày trong báo cáo khoa học như liên kết và liên kết vùng, quy hoạch, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch... hội thảo cần trao đổi sâu về tác động của biến đổi khí hậu và tỷ suất đầu tư vào Cần Thơ đối với việc thúc đẩy liên kết và phát triển vùng ĐBSCL”.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu trong buổi hội thảo
Hội thảo khoa học quốc tế lần này là sự hợp tác về nghiên cứu đề tài khoa học giữa UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Tây Đô, thể hiện các mối quan tâm xoay quanh vấn đề làm gì để TP Cần Thơ trở thành trung tâm, hạt nhân của liên kết vùng ĐBSCL. Trong hơn 40 tham luận gửi về hội thảo, Ban tổ chức đã chọn giới thiệu, xoay quanh 5 nhóm chủ đề: tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về liên kết vùng; những điểm mạnh và điểm yếu trong liên kết vùng ĐBSCL thời gian qua; thực trạng về liên kết của TP Cần Thơ những năm qua; các hình thức, nội dung, giải pháp để phát triển liên kết ngành, liên kết vùng ĐBSCL; các giải pháp để TP Cần Thơ thể hiện được vai trò trung tâm liên kết vùng ĐBSCL.
GS. TS. Yvon GOUSTY - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Công nghệ Á-Âu, Cộng hòa Pháp trình bày tham luận trong buổi hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, phát biểu trao đổi về những điểm mạnh, hạn chế trong liên kết nội và ngoại vùng những năm qua; các hình thức, nội dung, giải pháp để thúc đẩy liên kết nội và ngoại vùng. Đồng thời, đề xuất, khuyến nghị với UBND TP Cần Thơ và Chính phủ, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho Cần Thơ sớm là trung tâm liên kết vùng ĐBSCL.