0939028579

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY ĐÔ

TAY DO UNIVERSITY

Trí tuệ - Sáng tạo - Năng động - Đổi mới

Trường đã đạt kiểm định chất lượng

Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa – Ngôn ngữ - Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ

Ngày đăng: 01/04/2024 05:15

Ngày 30/3/2024, tại hội trường A, Trường ĐH Tây Đô phối hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam bộ. Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, GS, PGS, TS… trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, TTƯT.GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho biết Nam bộ tuy có lịch sử ngắn ngủi so với lịch sử Việt Nam nhưng những thành tựu chiến lược của vùng đất này rất to lớn, không thể phủ nhận. Trên bình diện văn hóa - lịch sử, Nam bộ đã để lại những thành quả truyền thống tốt đẹp, khó phai mờ như Tao đàn Chiêu Anh các, Tao đàn Bạch Mai Thi xã và Tao đàn Bình Dương Thi xã. Bên cạnh đó là những di sản văn hóa tín ngưỡng, âm nhạc cổ truyền thể hiện nét bản sắc đậm đà bằng dấu ấn ngôn ngữ của người phương Nam.

TTƯT.GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô phát biểu khai mạc Hội thảo

TTƯT.GS.TS Trần Công Luận nói thêm, đây là lần đầu tiên Trường ĐH Tây Đô tổ chức một hội thảo có quy mô quốc tế, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn - một lĩnh vực mà nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, công tác chuẩn bị đã diễn ra hơn 1 năm trước, trong đó có hướng đến mục tiêu “ôn cố tri tân”. Một mặt để tưởng nhớ người xưa có công khai hoang mở cõi vùng đất phương Nam, mặt khác tập trung nghiên cứu, trao đổi học thuật về những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động và chiến đấu của người xưa đã để lại cho con cháu vùng đất này.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, nhận định đây có lẽ là hội thảo liên lĩnh vực đầu tiên không chỉ ở vùng Tây Nam bộ mà còn trên phạm vi toàn quốc. Với các báo cáo và tham luận có chất lượng cao, hội thảo là một diễn đàn học thuật nghiêm túc, mở ra hướng tiếp cận mới, mang lại nguồn sinh khí mới trong giới nghiên cứu học thuật cho vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam phát biểu trong Hội thảo

Theo chia sẻ của TS Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, đến nay, kho tàng văn học đồ sộ và đặc sắc của Nam bộ vẫn còn nhiều bí ẩn mời gọi giới nghiên cứu. Tuy nhiên, do hạn chế về tư liệu nên nhiều vấn đề còn đang thảo luận. Đáng chú ý, trong nước còn quá ít sách viết về lịch sử vùng đất này, sách giáo khoa phổ thông thì gần như không đề cập tới. Thực trạng đó đã tạo nên khoảng trống trong nhận thức, thậm chí là sai lệch về tính toàn bộ của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, kết quả của hội thảo lần này sẽ là những luận cứ khoa học bổ ích, ý nghĩa góp phần nhìn nhận khách quan, công bằng với Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật của vùng đất Nam bộ trong hành trình xây dựng và bảo tồn giá trị Văn hóa - Văn học dân tộc.

TS Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ phát biểu trong Hội thảo

Hơn 200 bài tham luận liên quan lĩnh vực văn hóa, những nghiên cứu về lĩnh vực nghệ thuật. Tại hội thảo, Ban tổ chức sắp xếp trình bày 30 tham luận khoa học trong 1 phiên toàn thể và 5 phiên tiểu ban. Các tham luận chất lượng, sau khi được các chuyên gia đầu ngành phản biện, sẽ được phát hành bởi một nhà xuất bản uy tín để phục vụ cho những độc giả quan tâm.

Một số hình ảnh trong Hội thảo:

Tin và Ảnh: Thảo Ly


  • 15:00

    04/04/2024

    Họp rà soát việc cập nhật thông tin được phân công theo công văn số 254/ĐHTĐ (ngày 25/3/2024) trên website tiếng Anh của Trường

  • 13:30

    09/01/2021

    Tọa đàm chuyên đề về Quản trị kinh doanh

  • 07:30

    31/10/2020

    Lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học năm 2020

  • 07:30

    26/09/2020

    Lễ Khai giảng các lớp cao học khóa 7B,8A và Lễ trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ năm 2020

  • 08:00

    26/08/2020

    Tập huấn phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ, Mầm non năm 2020